Di tích chùa Núi Man (Phật Lâm), thôn Trại Xoan, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

Theo kết quả cuộc khai quật khảo cổ vào năm 2006 và năm 2007 cho thấy: Chùa Núi Man được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) và tồn tại đến thế kỷ XVI. Trong dân gian chùa Núi Man còn được gọi là chùa Phật Lâm. Rất có thể khi chùa còn tồn tại có tên chữ là Phật Lâm, còn tên chùa Núi Man là do nhân dân đời sau gọi vì chùa nằm trên núi Man.

Địa điểm chùa Núi Man (Phật Lâm) cách thành phố Tuyên Quang khoảng 18km về phía Tây - Tây Bắc. Chùa nằm trên đỉnh đồi Gò Chùa thuộc thôn Trại Xoan, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một đồi thấp, nằm ngay chân dãy núi hình tay ngai của núi Man - đỉnh cao nhất của dãy núi có cùng tên gọi.

Toàn cảnh Chùa Núi Man ( Phật Lâm ) xã Nhữ Hán

Năm 2006 và 2007, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật chùa Núi Man (Phật Lâm) để có thể đánh giá được tổng thể về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của ngôi chùa. Kết quả hai lần khai quật khẳng định đây là ngôi chùa lớn được xây dựng có quy mô bề thế với những khối trang trí kiến trúc đẹp, lộng lẫy.

Về di tích: Phát hiện được toàn bộ khuôn viên chùa được kè đá phiến hình chữ nhật còn tương đối nguyên vẹn, với diện tích gần 2.000m2. Chùa có ba gian. Gian thứ nhất nằm về phía Bắc, hiện nay chỉ còn một số viên gạch vuông chôn đứng và các tảng kê chân cột. Gian thứ hai còn lại một chân tảng, nằm ở phía Đông của chùa. Gian thứ ba tìm thấy mảnh gốm men, mảnh ngói, gạch lát nền và một số hàng đá chôn đứng. Cấu trúc của ngôi chùa thời Trần lúc đó gồm: Tháp đất nung, sân chùa, nền chùa, hệ thống thoát nước, ao, đường đi, bậc thềm lên xuống. Đó là một cấu trúc hoàn chỉnh, ít ngôi chùa thời này còn giữ được di tích và dấu vết.

Về di vật: Phát hiện được tại đây gồm có các mảnh tháp đất nung trang trí lá đề, tượng đầu người mình chim nâng đỡ mái, tường hoa trang trí hoa chanh, các mảnh tháp có đánh số tầng và hướng có ý nghĩa đặc biệt nhằm xác định được số tầng của tháp, vì thế xác định được một ngôi tháp cổ có 10 tầng tháp. Các cây tháp khác, có mảnh tháp men trắng và xanh trang trí tượng phật và gạch lát nền, gạch ốp kè các loại thời Trần. Ở đây còn thấy nhiều mảnh vỡ của thân rồng, chân rồng thể hiện một con rồng có thân khá mập mạp, thân uốn cong nhiều vảy, chân nhiều ngón. Cũng có mảng gạch được trang trí bằng những đường vòng tròn khắc chìm, bên trong là hình “lưỡng long chầu nguyệt". Cũng có mảng trang trí được phủ men màu xanh có chạm nhiều hình Phật, đặc sắc hơn cả là những nữ thần chim (Kinnari) được khắc nổi ở mặt ngoài tầng đế tháp. Đặc biệt là gạch bó vỉa trang trí cúc dây liên hoàn cùng những viên gạch góc hình cánh sen lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

Chùa được lợp bằng ngói mũi lá với nhiều kích thước. Các loại ngói được phát hiện với số lượng lớn cùng với các loại đinh sắt đóng dui mè - đây là lần đầu tiên xác định được cách thức sử dụng loại ngói mũi lá trong bộ mái cổ truyền của kiến trúc chùa Việt Nam.

Cùng với các di vật trên, những đồ dùng sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đồng, đất nung từ thế kỷ XIII-XIV đến thế kỷ XV-XVI cũng được phát hiện. Đây là một trong 3 ngôi chùa thời Lý - Trần hiện được biết đến ở tỉnh Tuyên Quang có cấu trúc rõ ràng nằm trong tuyến phát triển của hệ thống Phật giáo Việt Nam ở vùng Đông Bắc nước ta.

Chùa Núi Man (Phật Lâm) luôn mở rộng cửa đón khách thập phương đến lễ bái, vãn cảnh chùa hàng ngày. Vào những ngày rằm, mồng một, ngày lễ, tết, thiện nam, tín nữ xa gần thường đến dâng hoa quả lễ Phật với tâm thành kính cầu khấn xin Chư Phật, Chư Bồ tát và các hiền thánh hộ độ cho được thiện duyên, may mắn, mạnh khoẻ, sống lâu, tai qua, nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hoà thuận, hạnh phúc an khang, thế giới hoà bình, văn minh xã hội, chúng sinh an lạc

Hàng năm, chùa Núi Man (Phật Lâm) tổ chức một số ngày lễ như: Ngày 9 tháng 1 âm lịch là lễ Khai xuân. Ngày 8 tháng 4 âm lịch là lễ Phật Đản. Ngày 15 tháng 7 âm lịch là lễ Vu Lan (xá tội vong nhân). Ngày 2 tháng 9, lễ Quốc khánh. Ngày 15 tháng 12 âm lịch, lễ Tất niên.

Lễ Khai xuân hay còn gọi là lễ Thượng Nguyên. Vào ngày này, các thiện nam, tín nữ tấp nập đến chùa lễ Phật, mong một năm mới có nhiều niềm vui, bình an, khỏe mạnh.

Chùa Núi Man (Phật Lâm) tổ chức lễ Phật Đản (ngày sinh của đức Phật) vào mồng 8 tháng 4 âm lịch, là một lễ lớn của Phật giáo. Từ thời Lý - Trần, lễ Phật Đản đã được tổ chức trọng thể. Một nghi thức quan trọng của ngày hội là tắm Phật. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc thời Trần chép: “Mài trầm hương, hòa hương với nước đem tắm tượng Phật. Dùng bánh tròn tinh khiết để dâng cúng”. Ngày nay, người ta thường dùng nước ngũ vị hương (nước nấu bằng các hoa cỏ thơm) tắm lên tượng Phật. Khăn lau tượng bằng vải đỏ cũng được xé ra chia cho mỗi người một mảnh nhỏ mang theo mình để cầu phúc.

Lễ tắm Phật còn gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người nông dân. Người nông dân Việt Nam tin rằng trong ngày mồng 8 tháng 4, trời sẽ đổ mưa để lấy nước tắm Phật, nếu không mưa thì mùa màng sẽ mất.

Cũng như các ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam, hàng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, chùa  Núi Man (Phật Lâm) tổ chức lễ Vu Lan. Từ thời Lý - Trần, lễ Vu Lan được tổ chức dựa vào kinh Vu Lan Bốn để cầu nguyện cho người chết được siêu độ. Đối với người Việt Nam theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ngày lễ Vu Lan trở nên có ý nghĩa đặc biệt. Người ta tin vào ngày đó, linh hồn ông bà cha mẹ hay người thân thích đã chết được xá tội trở về (chỉ được tự do trong một ngày mà thôi), bởi vậy con cháu phải bày lễ cúng tế cẩn thận. Ở chùa thường làm lễ phóng sinh (như thả tự do cho chim, cá), đặc biệt làm lễ chẩn tế cô hồn. Cô hồn là hồn người chết bơ vơ, không nơi nương tựa, trở về xin “ miếng cháo lá đa”. Lễ chẩn tế còn gọi là lễ thí thực (cho ăn) là vì vậy.

Vào ngày lễ Quốc khánh của đất nước, nhân dân trong làng và khách thập phương tấp nập lên chùa Núi Man (Phật Lâm) lễ Phật, mong cho quốc thái dân an, hạn ách tiêu trừ, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong ngày Lễ Tất niên, nhân dân lên chùa thắp hương, lễ Phật để cầu mong một năm mới mọi điều an lành, gặp nhiều may mắn.

Chùa Núi Man (Phật Lâm) ở vị trí tiếp giáp với các châu Thu Vật, Châu Phong, Châu Đăng, châu Đô Kim thời Lý, Trần nên có vị trí quan trọng trong hệ thống kiến trúc Phật giáo thời Lý, Trần ở Tuyên Quang và vùng núi phía Bắc. Đây là vị trí ngã ba đảm nhận các trọng trách giao lưu, phát tán ảnh hưởng của Phật giáo và văn hoá truyền thống Đại Việt đối với vùng núi; là nơi có thể đặt dịch trạm, quân đồn trú thuận lợi cả đường bộ và đường sông, nơi giao thương, nơi giao thương, nơi thực hiện chính sách quân lương tại chỗ “Ngụ binh ư nông”.

Cho đến nay ở Tuyên Quang, khảo cổ học đã phát hiện được một số các di tích thời Lý, Trần có đủ cả quần thể chùa và tháp như: Chùa Nhùng, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, chùa Kim Ninh, chùa Phúc Lâm, chùa Núi Man (Phật Lâm)... Trong số những di tích trên, dấu tích cây tháp đất nung 10 tầng ở chùa Núi Man (Phật Lâm) được đánh giá là tương đối đẹp. Tháp được dựng do nhiều khối gạch tháp liên kết với nhau tạo thành và chia làm 3 phần rõ rệt: Đế tháp, thân tháp, đỉnh tháp. Trên mỗi phần của tháp đều có trang trí hoa văn tinh xảo. Qua dấu tích của cây tháp đất nung cung cấp nhiều thông tin quan trọng về cách dựng tháp, hình dáng tháp, chiều cao của tháp. Ngoài cây tháp đất nung còn phát hiện nhiều mảnh vỡ của tháp tráng men trắng và tháp tráng men xanh lục. Loại tháp này dùng thờ trong chùa, có kích thước nhỏ nhưng có trang trí hoa văn đẹp với những hình tượng Phật ngồi trên diềm mái, hình rồng dáng yên ngựa ở diềm tháp. Đặc biệt, đã tìm được 3 tiêu bản tượng đầu người mình chim (Kinnari) được gắn dưới mái của tháp men trắng và tháp đất nung. Đây là nguồn sử liệu quý giá, giúp các nhà nghiên cứu đi sâu nghiên cứu về kiến trúc cổ Việt Nam, tìm hiểu văn minh Phật giáo, văn minh Đại Việt thời Trần ở vùng núi phía Đông Bắc nước ta cũng như tìm hiểu hệ thống các ngôi chùa cổ, tìm hiểu hệ thống Phật giáo ở vùng núi.

Nhiều hiện vật thuộc loại hình vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc được phát hiện như: Gạch bó sân trang trí hoa cúc, ốp kiến trúc hình đầu rồng, rồng trên viên gạch mang đặc trưng phong cách rồng thời Trần. Ngói lợp kiến trúc là loại ngói mũi lá có mấu kê vuốt bằng tay, ngói phủ nóc là loại ngói có tiết diện lớn hình cong lòng máng; gạch chỉ khuôn viên vườn chùa có in hoa nổi… Nhìn chung các khối trang trí hoa văn có dáng chắc mập, rõ ràng, khỏe khoắn khác với những nét trang trí thanh mảnh của thời Lý (thế kỷ XI-XII). Ngoài ra trên nền chùa còn phát hiện nhiều mảnh gốm sứ đất nung của nhiều thời kỳ khác nhau và tại nền chùa còn phát hiện được một đồng tiền đồng có lỗ vuông ở giữa có niên hiệu "Nguyên Phong Thông Bảo" (1251-1258), đây là cơ sở để khẳng định một cách chắc chắn: Chùa Núi Man (Phật Lâm) được xây vào thời Trần.

Chùa Núi Man (Phật Lâm) đóng góp lớn trong quá trình nghiên cứu về lịch sử, trang trí, kiến trúc tôn giáo thời Trần về vật liệu dựng chùa, cách dựng tháp, hình dáng tháp, trang trí trên tháp… và cung cấp thêm những thông tin về phong cách mỹ thuật Phật giáo thời Trần mà các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu mỹ thuật đang tìm hiểu. Đồng thời chùa là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh, giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân địa phương và là nơi thăm quan du lịch hấp dẫn trong tuyến du lịch lịch sử văn hóa - sinh thái suối nước khoáng Mỹ Lâm.

Trải qua bao thời gian, mưa nắng cùng với bao biến thiên của lịch sử, chùa Núi Man (Phật Lâm) hiện nay chỉ còn là phế tích kiến trúc tôn giáo. Trước khi tiến hành khai quật khu Gò Chùa, nơi đây chỉ là một khu vực hoang vu với nhiều cây cổ thụ và cỏ dại. Khi khai quật khu di tích này đã làm phát lộ toàn bộ khuân viên chùa chìm sâu dưới mặt đất ở độ sâu trung bình từ 15-30cm. Bao gồm sân chùa với nhiều cụm gạch lát khổ lớn còn sót lại, chân móng tháp có nhiều mảnh vỡ thân tháp, mái tháp tập trung dưới nền móng tháp, nền móng chùa kè bằng đá tự nhiên thành hình chữ nhật. Tại các hố khai quật phát hiện rất nhiều những hiện vật sành thô, sành mịn và gốm sứ thế kỷ XIII- XIV, thế kỷ XVI- XVII. Các hợp phần của chùa nằm trên một mặt bằng đồi kè đá hình chữ nhật chiếm diện tích cả một khu đồi Gò Chùa.

Năm 2010, chùa Núi Man (Phật Lâm) được đầu tư tôn tạo khang trang theo phong cách kiến trúc thời Trần dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học. Chùa được xây dựng trên nền chùa cũ bằng vật liệu kiên cố, kiến trúc hình chữ Đinh (J), có 28 cột giả gỗ, chùa được chia làm hai toà: Thượng điện và Thiên hương. Toà Thượng điện nằm ở phía bên ngoài; bên trái là ban thờ Đức Thánh Hiền và bên cạnh thờ ngài Chánh sứ; bên phải thờ Đức Chúa ông. Toà Thiên hương là nơi thờ phật; ba pho tượng Tam thế được đặt ở vị trí cao nhất, có hình dáng, mầu sắc và kích thước bằng nhau, phía dưới là tượng Adi đà, tượng ngồi trên toà sen.

Chùa Núi Man (Phật Lâm) là một phế tích kiến trúc nghệ thật thời Trần có giá trị về mặt lịch sử khoa học, nghệ thuật, khoa học và nghệ thuật. Để phát huy giá trị cũng như làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Sau khi được xếp hạng, di tích chùa Núi Man (Phật Lâm) có cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Tiến hành sưu tầm những tài liệu chính sử, những hiện vật thất lạc ra ngoài địa bàn di tích chùa Núi Man (Phật Lâm) nhằm nghiên cứu rõ hơn để tìm ra thời gian, thời điểm cụ thể xây dựng chùa. Tiếp tục nghiên cứu những hiện vật đã có, đã sưu tầm, khai quật từ di tích chùa Núi Man (Phật Lâm) để làm sáng tỏ những thông tin về các thành phần kiến trúc chùa, về tháp đất nung. Trên cơ sở đó có thể phục dựng lại cây tháp đất nung; phục dựng, trùng tu lại ngôi chùa trở thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương và là nơi hành hương của khách thập phương.

Với ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của di tích, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu, tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích chùa Núi Man (Phật Lâm), thôn Trại Xoan, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

 

 

 

Nguồn: Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục